Chưa được phân loại

Đưa Hà Nội trở thành Thành phố kết nối toàn cầu

Những năm qua, trên cơ sở thực hiện nhất quán chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Thủ đô Hà Nội đã và đang chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh […]

Những năm qua, trên cơ sở thực hiện nhất quán chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Thủ đô Hà Nội đã và đang chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác với mong muốn trở thành bạn và đối tác tin cậy của tất cả các thủ đô, thành phố lớn trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. 

Chủ động hội nhập

Với vai trò là Thủ đô – đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, nơi diễn ra phần lớn hoạt động đối ngoại của Nhà nước, thành phố Hà Nội tiếp tục quán triệt các nguyên tắc, phương châm, quan điểm chỉ đạo về công tác đối ngoại nói chung, như: Nghị quyết 15-NQ/TW, ngày 15/12/2000, của Bộ Chính trị, Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 06/01/2012 về phương hướng nhiệm vụ phát triển của thủ đô Hà Nội đến năm 2020, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Nghị quyết 28 của Trung ương 8 Khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành đẩy mạnh triển khai các hoạt động đối ngoại theo kế hoạch đã đề ra.
Thực tế cho thấy, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Thủ đô Hà Nội mang tính đặc thù, không chỉ là đối ngoại với tư cách một thành phố mà còn đóng góp tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại chung của cả nước, trong đó có công tác hội nhập quốc tế. Trên cơ sở định hướng từ Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai hội nhập quốc tế một cách toàn diện, đồng bộ, hiệu quả trên mọi lĩnh vực, gắn với các mục tiêu, yêu cầu phát triển của Thủ đô trong thời đại mới. Lãnh đạo Hà Nội đã coi trọng và trực tiếp quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác hội nhập quốc tế; lập ra Ban Chỉ đạo Hội nhập Kinh tế Quốc tế Thành phố Hà Nội; đưa nội dung hội nhập quốc tế vào Kế hoạch hoạt động đối ngoại hàng năm và cụ thể hóa trong Quy chế quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại của Thành phố.
Đối ngoại kinh tế được xác định là một trụ cột quan trọng trong công tác đối ngoại chung của Thành phố. Ban Chấp hành Đảng bộ và UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều chủ trương và cơ chế chính sách cụ thể để phát triển đối ngoại kinh tế. Đối ngoại kinh tế đã giúp phát huy nội lực và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững.
Năm 2017 ghi nhận những kết quả đột phá của thành phố Hà Nội trong công tác đối ngoại kinh tế. Thành phố đã tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư, như: Tọa đàm “Gặp gỡ Canada”; “Tọa đàm về phát triển thành phố thông minh” với Bộ Thương mại Hoa Kỳ và 18 Tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thành phố thông minh và chính phủ điện tử. Đặc biệt, Hội nghị “Hà Nội 2017 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển” tiếp tục là một sự kiện xúc tiến đầu tư – thương mại lớn với sự tham dự của đại diện nhiều cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và hàng trăm đại biểu doanh nghiệp nước ngoài đã, đang và sẽ đầu tư, kinh doanh tại Hà Nội. Tại hội nghị, UBND Thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 74,37 nghìn tỷ đồng, cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã ký kết 15 Biên bản ghi nhớ với tổng số là 134,79 nghìn tỷ đồng.
Năm 2018, Hà Nội tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác quốc tế một cách toàn diện. Đối ngoại chính trị, kinh tế, văn hóa được triển khai thiết thực đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành tựu, góp phần phát huy tiềm năng, tranh thủ hiệu quả nguồn ngoại lực cho phát triển, từng bước nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của Thủ đô trong quá trình hội nhập…
Đáng chú ý, năm 2018 cũng đánh dấu năm thứ 3 Thành phố tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội – Hợp tác đầu tư và phát triển” với sự tham gia của khoảng 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế. Tại Hội nghị, thành phố Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng (tương đương với hơn 17 tỷ USD), trong đó: có 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ 428 triệu USD), 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư là 267.274 tỷ đồng.
Đồng thời, thành phố Hà Nội, các Tỉnh, Thành phố trong Vùng, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã ký 24 Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng mức đầu tư, dự kiến, trong thời gian tới, khoảng gần 70.000 tỷ đồng. Với kết quả này, Hà Nội đã trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI và lần đầu tiên trong 30 năm qua: 6 tháng đầu năm 2018, với tổng số vốn FDI thu hút là 5 tỷ 915 triệu USD, Hà Nội đã tạm vượt lên đứng thứ nhất cả nước của năm 2018.
Khẳng định thương hiệu
Năm 2019, tròn 20 năm Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, khoa học, văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”. Hình ảnh Hà Nội là một điểm đến “an toàn – thân thiện” ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Hà Nội trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, có quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, là thành viên chính thức, năng động và có trách nhiệm của nhiều tổ chức quốc tế lớn như: Mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ XXI, Hiệp hội Các thành phố lớn trên thế giới, Mạng lưới các thành phố thông minh.
Phóng viên Bob Costantinil đài Westwood one news đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Việt Nam
với Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên
Đặc biệt, Thành phố đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ban, ngành Trung ương chuẩn bị tốt các công tác hậu cần, an ninh, hoàn thành xuất sắc vai trò thành phố chủ nhà của Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ – Triều Tiên lần hai, diễn ra vào ngày 27 và 28/2/2019. Sự kiện đó để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc trong mắt bạn bè quốc tế về một Thủ đô, đất nước Việt Nam hòa bình, mến khách, năng động, đổi mới mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng.
Với phương châm sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các thủ đô, thành phố của các nước, thông qua nhiều hoạt động đối ngoại tích cực, đến nay, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước; trong đó, đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới. Các cơ quan Chính phủ Việt Nam, các phái đoàn Ngoại giao, các Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế đều đặt trụ sở tại Hà Nội. Hà Nội từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế; là 1 trong 3 địa phương đứng đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế. Hiệu quả công tác đối ngoại đã thúc đẩy Hà Nội phát triển, thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh về Thủ đô của Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế – chính trị – xã hội thế giới dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, cùng với những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến sự phát triển của Thành phố, giai đoạn tới, thành phố Hà Nội sẽ không ngừng mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô. Đồng thời, tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, các danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, để bản sắc Hà Nội trở thành nguồn lực quý giá, tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sự thịnh vượng, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô, hiện thực hóa tầm nhìn đưa Hà Nội trở thành Thành phố kết nối toàn cầu.
Cùng với đó, Thành phố cũng sẽ chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng hội nhập quốc tế; tranh thủ cơ hội về vốn, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm; chủ động nắm bắt những cơ hội, nhất là của các hiệp định thương mại thế hệ mới. Củng cố quan hệ truyền thống, tích cực mở rộng hợp tác với các thủ đô, thành phố tiềm năng; chú trọng các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch. Đẩy mạnh đối ngoại nhân dân; tăng cường tuyên truyền, thông tin đối ngoại, quảng bá, giới thiệu về Thủ đô với bạn bè quốc tế.

Bình An

Theo Cổng GTĐT TP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *