Di sản – Bảo tồn

“Hồi sinh” Hồ Văn với thành công bước đầu trong giáo dục di sản

Qua 3 tháng hè thử nghiệm chuỗi hoạt động giáo dục di sản “Sĩ tử nhí – Chắp cánh ước mơ” tại Hồ Văn (thuộc Văn Miếu – Quốc Tử Giám) đã thu hút hàng nghìn lượt trẻ em tham gia trải nghiệm, gieo những hạt giống về sự tìm tòi, sáng tạo… mang đến cho các em một mùa hè bổ ích, thú vị.

Hoạt động thi vẽ tranh trên toan vải nằm trong chuỗi sự kiện “Sỹ tử nhí”

Chuỗi hoạt động giáo dục di sản “Sĩ tử nhí – Chắp cánh ước mơ” được Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức tại Hồ Văn với mong muốn mang đến một sân chơi mới cho trẻ em Thủ đô, thông qua đó kết nối những giá trị di sản về đạo học về giáo dục đang được lưu giữ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm HĐ VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, qua 3 tháng hè thử nghiệm hoạt động giáo dục di sản, thông qua các trò chơi dân gian cũng như tìm hiểu về di tích lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám tại Hồ Văn, đã có hàng nghìn lượt trẻ em tới tham quan và trải nghiệm, đây là cơ sở để Văn Miếu tiếp tục triển khai các hoạt động văn hóa và giáo dục di sản trong thời gian tới tại đây.

Quang cảnh bên ngoài cổng nhìn vào của di tích Hồ Văn

Nhắc tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nghĩ về đạo học, sách đèn, bút nghiên và giấy dó. Chính vì lẽ đó, Ban tổ chức đã tập trung vào hoạt động trải nghiệm làm giấy dó, tạo hoa và vẽ trên giấy dó để người tham quan được trực tiếp trải nghiệm vào từng khâu làm ra những tờ giấy được sử dụng trong học tập thi cử, Vua ban chiếu chỉ và sắc phong thời xưa. Việc làm giấy dó không những giúp trẻ em hoạt động thể chất ngoài trời, mà còn giúp các con hiểu về quy trình làm ra loại giấy truyền thống.

Nghệ nhân đang hướng dẫn các bé seo giấy – công đoạn quan trọng để làm ra giấy dó

“Con thấy rất hay và lạ, từ trước đến giờ con chỉ biết đến giấy dó qua tranh Đông Hồ truyền thống với cả các quyển sách. Đây là lần đầu tiên con được hiểu về cách để làm ra một tờ giấy dó. Hay nhất là khi còn là bột nước, bột giấy hơi nặng mùi. Nhưng khi con cầm tờ giấy dó khô, con thấy một mùi hương rất thơm” – Nguyễn Linh Khuê, Lớp 8A, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ.
Cùng cho con du lịch tham quan Hà Nội trong vòng 1 tuần, chị Đinh Ngọc Liên – Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cũng hồ hởi chia sẻ: “Mẹ con tôi tới đây 3 ngày liên tiếp, tôi đang loay hoay tìm xe để đưa con về làng gốm, làng nón và làng lụa. Nhưng khi đến tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám và đưa con vào Hồ Văn, con tôi được tham gia tất cả các hoạt động của làng nghề này mà không phải di chuyển, nhất lại trong không gian nhiều cây xanh mát mẻ”.

Trên bàn xoay với đôi tay nhỏ nhắn cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình của nghệ nhân

Không gian “Làng trong phố” là chuỗi hoạt động giáo dục di sản được tổ chức từ 27/5 đến 26/8/2018. Trong khuôn viên rộng 1,2 hecta có tới 600.000m² hồ nước, nửa diện tích còn lại được bố trí cây xanh rợp bóng và các hoạt động tái hiện nhiều làng nghề truyền thống như: làm giấy dó, vẽ tranh Đông Hồ, tập viết thư pháp, vẽ nón lá, làm chuồn chuồn tre…. Ngoài ra, các trò chơi dân gian gợi nhớ tuổi thơ, những buổi trưa hè “nhà quê” hay những ngày tết xưa như: làm nghé ọ, trò chơi pháo nổ pháo nang, bịt mắt đập niêu…

Các bạn nhỏ thích thú với trò chơi sáng tạo đi dép tập thể

Không chỉ giúp gắn kết gia đình vào ngày nghỉ cuối tuần, nơi đây còn kích thích trẻ em trong các hoạt động tập thể ngoài trời: “Các con vui lắm! Ở đây có tất cả các trò chơi dân gian kích thích các con hoạt động. Mỗi con một sở thích, con thích vẽ thì có thể tô tượng, vẽ nón, vẽ mẹt, lớn hơn con có thể vẽ tranh trên sơn acrylic theo chủ đề từng tuần. Còn con thích hoạt động thì cũng vui chơi chạy nhảy và hào hứng với trò kéo co, thi đi dép cao su tập thể.” – Chị Mai Anh – Chủ nhiệm một Câu lạc bộ tiếng Anh chia sẻ.

Tô vẽ lên chiếc nón lá là hoạt động khiến nhiều bạn nhỏ thích thú
Sản phẩm chuồn chuồn tre đủ màu sắc được các bé làm ra

“Từ trước đến nay, đến với Văn Miếu người dân và du khách trong nước chỉ nghĩ đến việc tham quan một di tích lịch sử – văn hóa với những công trình kiến trúc, cảnh quan. Việc “hồi sinh” Hồ Văn với hàng loạt hoạt động để giới thiệu tinh hoa văn hóa truyền thống và các trò chơi vận động bước đầu được cộng đồng và du khách đón nhận. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục triển khai các hoạt động văn hóa, tăng tính tương tác. Đây cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch dài hạn về giáo dục di sản của Văn Miếu – Quốc Tử Giám” – Ông Lê Xuân Kiêu nhận định.
Gắn các hoạt động văn hóa, giáo dục vào di sản vốn trước đây chỉ dành cho khách tham quan vãng cảnh là định hướng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Việc thường xuyên tổ chức các hoạt động tương tác, trình diễn có sự tham gia của cộng đồng tại Hồ Văn càng có ý nghĩa to lớn, bởi sau gần 30 năm “im lìm” trong tĩnh lặng, Hồ Văn đã khởi sắc, đóng góp vào hoạt động chung của quần thể công trình kiến trúc, cảnh quan của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Các bé làm đèn hoa trong sự kiện đại Lễ Vu Lan báo hiếu

Ông Lê Xuân Kiêu cũng cho biết thêm: Thời gian tới, hoạt động được tổ chức tại Hồ Văn là lễ thắp đèn hoa đăng trong đại Lễ Vu Lan báo hiếu Rằm tháng Bảy, “Quà con tặng Mẹ – Kí ức mùa trăng” nhân dịp Rằm tháng Tám, “Vinh quy bái tổ” tái hiện Lễ rước vinh danh với Trạng nguyên đầu bảng nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam và Ngày di sản thế giới. Tất cả các hoạt động đều đem lại giá trị nhân văn sâu sắc đến tới cộng đồng.

Xuân Lâm

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *