Văn hóa cơ sở

Huyện Thạch Thất quan tâm khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch

UBND huyện Thạch Thất đã chỉ đạo ngành chức năng tổ chức kiểm tra rà soát, đánh giá, lựa chọn phát triển một số mô hình điểm về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, xây dựng các tour, tuyến du lịch, liên kết các điểm đến du lịch trên địa bàn huyện…

Huyện Thạch Thất là vùng bán sơn địa, nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hà Nội, có tiềm năng du lịch phong phú, với 209 di tích lịch sử – văn hóa (gồm đình, chùa, đền, quán, miếu, văn chỉ…). Trong đó có 34 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (chùa Tây Phương được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, hệ thống tượng thời Tây Sơn tại chùa Tây Phương được công nhận Bảo vật quốc gia); 66 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Huyện Thạch Thất còn giữ gìn và phát huy nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như: Chèo Canh Nậu, Đại Đồng; múa rối nước Chàng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá; cồng chiêng của dân tộc Mường tại 3 xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung… Trên địa bàn huyện đang bảo tồn 92 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 27 lễ hội, 13 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 15 nghề thủ công, 22 tri thức dân gian, 13 tập quán xã hội và 2 ngữ văn dân gian; 18 di sản được ưu tiên bảo vệ.

Chùa Tây Phương – Điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn. Ảnh minh họa

Huyện có trên 50 làng nghề, trong đó có 10 làng nghề đã được cấp bằng công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống. Có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng sản xuất ra những sản phẩm, món ăn trở thành đặc sản của vùng quê Thạch Thất như: Chè lam, chuồn chuồn tre Thạch Xá; chè kho Đại Đồng; nghề mộc ở Chàng Sơn, Hữu Bằng, Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải; mây tre giang đan Bình Phú; cơ kim khí Phùng Xá; chế tác đá ong ở Bình Yên tạo nên vật liệu xây dựng độc đáo cho các công trình kiến trúc lịch sử – văn hóa đặc sắc của xứ Đoài.

Bên cạnh đó, huyện còn có hàng trăm trang trại, khu sinh thái và các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có thể phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch như: Du lịch nghiên cứu, tham quan, mua sắm, ẩm thực. Hiện nay, Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, Khu sinh thái Hoàng Long đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận điểm đến du lịch của thành phố Hà Nội…

Thời gian qua, UBND huyện Thạch Thất đã chỉ đạo ngành chức năng tổ chức kiểm tra rà soát, đánh giá, lựa chọn phát triển một số mô hình điểm về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, xây dựng các tour, tuyến du lịch, liên kết các điểm đến du lịch trên địa bàn huyện như: Tuyến tham quan Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương – Nhà lưu niệm Bác Hồ – Tượng đài núi Nứa – Khu du lịch sinh thái Hoàng Long…; tuyến tham quan làng nghề, mua sắm các sản phẩm làng nghề tại các xã Bình Phú – Chàng Sơn – Thạch Xá – Canh Nậu – Dị Nậu – Đại Đồng…(với sản phẩm OCOP là mây tre giang đan, chuồn chuồn tre, chè lam, chè kho…).

Sản phẩm chuồn chuồn tre độc đáo của huyện Thạch Thất mang đậm ký ức tuổi thơ. Ảnh minh họa

Cùng với đó là tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho người dân về các kiến thức, kỹ năng thực hành trong hoạt động du lịch, tiếp cận khách du lịch, xây dựng hình ảnh văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn, văn minh, thanh lịch…gắn phát triển văn hóa với du lịch theo hướng bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương.

Mai Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *