Quy tắc ứng xử

Kết thúc vòng thi sơ khảo Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng” năm 2023

Sáng 16/11, tại UBND huyện Mê Linh, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, UBND huyện Mê Linh tiếp tục tổ chức vòng sơ khảo Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng” năm 2023 – cụm 3 – cụm thi cuối cùng gồm 07 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Mê Linh, Chương Mỹ, Thường Tín, Sóc Sơn và Thanh Oai.

Đại biểu tham dự Hội thi có ông Lương Đức Thắng – Cục phó Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Ông Phạm Xuân Tài – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Ông Trần Thanh Hoài – Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh.

BTC tặng hoa cho các đội tham dự vòng sơ khảo Hội thi – cụm 3.

Sau 6 năm triển khai thực hiện, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang mang đến những thay đổi rõ nét. Thông điệp về văn hóa ứng xử được lan tỏa mọi lúc, mọi nơi, góp phần đẩy lùi những hành vi ứng xử thiếu văn hóa; đồng thời, khích lệ sự ra đời của ngày càng nhiều những việc làm vì đời sống văn hóa cộng đồng, trong đó có việc ươm mầm, nhân rộng các mô hình điểm từ thành phố tới cơ sở.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài phát biểu tại vòng sơ khảo Hội thi – cụm 3.

Phát biểu tại vòng sơ khảo Hội thi – cụm 3, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài khẳng định: “Hơn 6 năm qua, việc triển khai, thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã được lãnh đạo và Nhân dân Thành phố duy trì thành nề nếp, thường xuyên, liên tục và phù hợp với tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị, địa phương; từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi ứng xử của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố phù hợp với chuẩn mực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thông qua việc triển khai Quy tắc, xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay, nhiều gương cá nhân/tập thể điển hình tiêu biểu trong thực hiện Quy tắc ứng xử, được UBND Thành phố và các cấp tôn vinh, biểu dương, khen thưởng”.

Phần thi Chào hỏi của các đơn vị.

Cụ thể, từ 10 mô hình điểm đầu tiên được phát động triển khai, xây dựng năm 2019, các ngành, địa phương đã tích cực lan tỏa về cơ sở, đơn vị bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức căng, treo phông nhận diện mô hình, niêm yết tiêu chí mô hình tại địa điểm dễ thấy; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, các hội thảo, tọa đàm, giao lưu, gặp gỡ các mô hình tiêu biểu, in phát tờ rơi quảng bá… Đặc biệt, song hành với việc triển khai thực hiện 10 mô hình mà thành phố phát động, các địa phương còn tích cực sáng tạo những mô hình mới, phù hợp với đặc thù, thế mạnh của mình để nâng cao hiệu quả thực hiện hệ thống quy tắc ứng xử như: Mô hình “Di tích lịch sử, văn hóa – Điểm đến an toàn, hấp dẫn”; mô hình “Chợ văn minh”; mô hình “Xây dựng thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp”… được triển khai tại nhiều địa phương, nhằm tiếp nối các hoạt động xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Phần thi Thuyết trình.

Tại vòng sơ khảo Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng” năm 2023 – cụm 3 các đội đã cho thấy công tác tuyên truyền không chỉ được các địa phương quan tâm mà còn mang đến nhiều cách làm hay, sáng tạo, nâng cao hiệu quả trong công tác truyền thông tới người dân.

Trong phần thi Kỹ năng ứng xử, bằng hình thức sân khấu hóa, các đội đã giới thiệu về những cách làm hay, mô hình điển hình, kinh nghiệm thực tế trong quá trình thực hiện. Các đội đã mang đến Hội thi bức tranh thôn quê, hàng xóm láng giềng với những vấn đề xảy ra hàng ngày như vệ sinh môi trường, văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử tại các chợ, nơi công cộng… cùng nhiều giải pháp được đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề một cách văn minh. Nội dung bộ quy tắc ứng xử đã được các đội khéo léo lồng ghép vào các tiểu phẩm mang đến Hội thi.

Phần thi Kỹ năng ứng xử.

Bà Lý Thị Thúy Hạnh – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố, thành viên Ban Giám khảo Hội thi nhận định, các phần thi đã bám sát yêu cầu, thể lệ của Hội thi. Màn Chào hỏi tại cụm 3 đã được các đội đầu tư một cách quy mô cả về con người, đạo cụ…; Phần Thuyết trình được thể hiện một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ nội dung… Qua đây thể hiện sự vào cuộc thực sự của các địa phương, trong đó vai trò chính của thanh niên – lực lượng xung kích đã có sự lan tỏa, định hướng cho người dân trong việc thực hiện quy tắc ứng xử…

Tại vòng thi sơ khảo cụm 3, 2 đội có số điểm cao nhất thuộc về đội thi đến từ huyện Mê Linh và Thanh Oai. Sau 4 vòng thi sơ khảo, căn cứ kết quả, Ban Giám khảo sẽ lựa chọn tại mỗi cụm các đội có số điểm cao nhất bước vào vòng Chung khảo sẽ diễn ra tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) vào sáng 19/11.

Thúy Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *