Di sản – Bảo tồn

Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Đình Vĩnh Phệ và tổ chức lễ hội truyền thống Đình, Chùa Nả

Ngày 20/04/2024, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chu Minh (Ba Vì) đã long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Vĩnh Phệ, lễ hội truyền thống Đình, Chùa Nả thôn Vĩnh Phệ.

Lễ cắt băng khánh thành công trình

Đình Vĩnh Phệ thờ thành Hoàng làng là ngài Nguyễn Đạo Thông, cha của thiền sư Nguyễn Đạo Hạnh. Trong đời sống văn hoá tinh thần của Nhân dân thì Ngài là một trong những vị thần có công với làng xã, được các đời Vua ban cấp sắc phong, chứng nhận về công lao của các vị đối với dân địa phương. Từ nhiều đời nay, Nhân dân địa phương vẫn phụng thờ Ngài với lòng thành kính.
Theo thời gian, di tích kiến trúc, nghệ thuật Đình Vĩnh Phệ đã xuống cấp nghiêm trọng. Được sự quan tâm của UBND huyện Ba Vì, công trình đã được đầu tư từ năm 2021 tu bổ hạng mục như: Đại bái, hậu cung, nghi môn, nhà tả mạc, am hoá vàng, hồ bán nguyệt… Công trình được tu bổ đáp ứng lòng mong mỏi của Nhân dân.

Đình Vĩnh Phệ sau tu bổ, tôn tạo

Lễ hội truyền thống Đình, Chùa Nả thôn Vĩnh Phệ thường diễn ra từ ngày 11-13/3 âm lịch. Tương truyền, Thiền sư Nguyễn Đạo Hạnh là con trai của ông Nguyễn Đạo Thông và bà Hoàng Thị Bảo. Cậu bé Nguyễn Đạo Hạnh thông minh, lanh lợi, được cha mẹ cho đi học chu đáo. Ông Nguyễn Đạo Thông gửi con cho các nhà sư dạy bảo ở chùa Bùi.

Trong sử sách đã ghi, trong triều vua Trần, Thượng tướng Kim Ngô phụng mệnh đi dẹp giặc Chiêm Thành. Quan quân đến làng Hoàng Thệ thì tự nhiên voi thì quỳ, ngựa thì phục, quan quân ai cũng mệt mỏi không muốn đi nữa. Tướng Kim Ngô đến lễ ở ngôi miếu nhỏ thờ thiền sư Nguyễn Đạo Hạnh trên gò cạnh đường và khấn rằng: Nay nước nhà có giặc ngoại xâm, tôi phụng mệnh đi dẹp giặc, đến quý địa phương đây đột nhiên voi quỳ, ngựa phục, binh lính mệt mỏi, xin thần linh phù hộ cho người, ngựa, voi chiến được mạnh khỏe để đi dẹp giặc. Khi thắng trận, tôi về tâu với triều đình xây lại đền, miếu to lớn hơn để thờ phụng thần linh. Khấn xong thì tất cả voi, ngựa đều đứng dậy, quan quân đều hăng hái tiến quân. Khi thắng trận trở về, tướng Kim Ngô đã bắt được nhiều tướng giặc trong đó có 3 tướng nữ của quân Chiêm Thành về làm minh chứng tạ thần linh. Tướng Kim Ngô về tâu với vua Trần về việc được thần linh giúp. Vua Trần chuẩn theo lời tấu của tướng Kim Ngô cấp tiền để xây dựng đền, miếu như đã hứa cùng với thần linh và xin chiêu phong đẳng thần cho Nguyễn Đạo Hạnh, cấp cho 100 mẫu ruộng để lấy lương thực tế tự sau này. Và sắc cho 16 xã lân bang cùng tôn thờ thần linh Nguyễn Đạo Hạnh, hàng năm mở hội từ ngày 11 tháng Ba âm lịch cho đến hết ngày 15 là ngày mất của Ngài.

Ngày nay, hàng năm cứ vào ngày 6 tháng Ba âm lịch, các cụ cao niên ở làng Vĩnh Phệ sở tại triệu tập họp bàn cùng các cụ trong 3 vùng cùng trụ trì của chùa để chuẩn bị cho lễ hội. Cuộc họp này gọi là tống hội, thống nhất các việc rồi làm tờ trình xin phép chính quyền về việc mở hội. Ngày 9 tháng Ba âm lịch, Ban lễ hội cắt cử người dựng 2 cột phướn ở trước sân chùa, chuẩn bị các vật dụng cho trò giật ác thả diều phướn Phật, bao sái lau rửa các cỗ kiệu, các đồ dùng cho ngày rước kiệu, cắt cử ban hậu cần… tất cả phải chu đáo từ ngày 9 tháng Ba âm lịch. Ngày 11 tổ chức rước kiệu từ chùa Nả lên chùa Triệu Dương, Nhân dân ở đây là của 3 khu Thanh Lũng, Tây Đằng, Chu Quyến và sở tại. Người điều khiển lễ hội này là người làng Thanh Lũng (được gọi là ông Túc quyết), khi rước kiệu chưa được mở cờ. Kiệu qua đình Đoài Thôn phải vào tế 1 tuần gọi là trình cha Đức thánh phụ, tiếp đó qua chùa Bùi phải dừng kiệu để làm lễ tạ – nơi đây Nguyễn Đạo Hạnh khi xưa đã ôn học. Khi kiệu rước tới làng Triệu Dương thì vào chùa để tế tạ ơn bà hàng nước tương truyền thiền sư Nguyễn Đạo Hạnh đã gặp tại bến đò khi đuổi theo 2 người bạn đã hẹn cùng ông lên núi Hi Cương (Phong Châu ngày xưa) để tu luyện thành tài. Tại bến đò ấy, ông Nguyễn Đạo Hạnh sau khi tắm rửa đã quy trong tư thế ngồi thiền. Ông được người dân đặt lên mảng chuối trôi xuôi, để địa phương nào mất người dễ tìm được.

Sáng 12 tháng Ba âm lịch thì rước kiệu về, khi rước kiệu về thì được mở cờ, trống chiêng ầm ĩ qua nhiều địa phương như Vân Xa, La Phẩm, Hạc Sơn. Nhân dân các địa phương này đều bày hương án để dâng lễ phật, người già, trẻ nhỏ đều luồn qua gầm kiệu để cầu mong sức khỏe. Khi rước kiệu về qua chùa Phúc Xuyên thì dừng kiệu để lễ tạ nơi bè chuối quay vòng ở đó. Tiếp đó, kiệu lại tiếp tục được rước về Chu Quyến để vào chùa Mẫu và tạ mẹ là Hoàng Thị Bảo. Trước khi vào chùa thì cũng phải cho kiệu dừng lại ở khu vụng Am Vàng để lễ tạ – đây là nơi mảng chuối đặt xác ông dạt vào, quay mãi không trôi. Tại đây, xác ông được đưa lên, rồi sau đó đưa về Bồ Đề thôn Đoài để chôn cất cùng với phụ thân. Chiều cùng ngày 12 tháng Ba âm lịch, kiệu được rước về chùa Nả để ngày 13 tháng Ba âm lịch là mở hội chính.

Sáng ngày 13 tháng Ba âm lịch, sau khi tế chính của Ban hành tế thì đến lượt các kiệu rước tướng nữ của 3 làng Thanh Lũng, Tây Đằng, Chu Quyến lần lượt vào làm lễ tạ. Tế xong, các nữ tướng được rước trở về nơi đã xuất phát. Chiều 13 tháng Ba âm lịch dành cho tổ chức giật ác. Trò giật ác này là một trò chơi có 1 không 2 trong tất cả các trò chơi của các lễ hội trong cả nước.

Ngày nay, lễ hội chùa Nả là nét đẹp truyền thống của quê hương mà hàng năm bà con vẫn duy trì và phát huy.
“Tục truyền hội Nả rất vui thay
Khắp cả vùng quê suốt mấy ngày
Thỏa thích vui chơi, chờ xem phướn
Trên đỉnh cột cao dải lụa bay…”

Các tiết mục văn nghệ tại buổi lễ

BV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *