Tin ngành

Lung linh đêm “Di sản hội tụ” tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Tối 18/11, nhân kỉ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam 23/11, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức chương trình “Di sản hội tụ”.

Đến tham dự chương trình, đại biểu Trung ương có PGS, TS Nguyễn Duy Bắc – Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; PGS, TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia; Ông Nông Quốc Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Nguyễn Thanh Bình – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa thiên – Huế; Ông Phan Thiên Định – Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư Thành ủy Huế. Đại biểu thành phố Hà Nội có ông Đỗ Đình Hồng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Phát biểu tại chương trình, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu khẳng định, chương trình nghệ thuật đêm “Di sản hội tụ” là hoa trái của quá trình hợp tác lâu dài, gắn bó, hiệu quả, tích cực giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong nhiều năm qua, nhằm tri ân và tôn vinh các di sản văn hóa của cha ông để lại, động viên những người làm công tác di sản tiếp tục nỗ lực, cố gắng trong công việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc, mang giá trị di sản đến ngày càng gần hơn với công chúng.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu phát biểu tại chương trình.

“Trong buổi tối đặc biệt này, tại sân Thái Học – trường Quốc Tử Giám xưa, chúng ta sẽ được thưởng thức tinh hoa văn hóa của cố đô Huế và Thăng Long – Hà Nội mang hơi thở đương đại cùng hội tụ về đây. Hoạt động giao lưu văn hóa này sẽ góp phần quảng bá giá trị di sản văn hóa Huế và Thăng Long – Hà Nội, làm giàu thêm, sâu sắc thêm những giá trị văn hóa của dân tộc trong cuộc sống. Đồng thời, nuôi dưỡng tình yêu, sự trân quý và trách nhiệm đối với di sản văn hóa dân tộc cho sự tiếp nối, cho dòng chảy của các giá trị di sản tới thế hệ tương lai” – ông Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

Ông Hoàng Việt Trung – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Huế được biết đến với thành phố du lịch đặc trưng, thành phố Festival của Việt Nam cũng là nơi lưu giữ nhiều di sản đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Nhiều năm qua, các kỳ Festival Huế được tổ chức đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của cộng đồng trong và ngoài nước. Thông qua chương trình nghệ thuật này, những giá trị văn hóa truyền thống và các giá trị kế thừa về di sản diễn xướng của dân tộc một lần nữa khẳng định tinh thần hội tụ và lan tỏa; tinh thần cộng hưởng và tiếp biến trong nhiều nội dung mà Festival Huế từng thực hiện. Đây cũng là cách mà văn hóa Huế tự giới thiệu và quảng bá đến cộng đồng, khẳng định định hướng xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương “trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.

Ông Hoàng Việt Trung – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

“Với nhiều ý nghĩa cộng hưởng đó, hy vọng chương trình sẽ mang lại cho quý vị những trải nghiệm thú vị và ấn tượng về văn hóa Huế, về hình ảnh Festival Huế trong không gian di sản của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến” – ông Hoàng Việt Trung chia sẻ thêm.

Tại đêm “Di sản hội tụ”, khán giả đã được chứng kiến sự hội tụ của 2 di sản: Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long với chương trình trải nghiệm Tour đêm và di sản văn hóa cố đô Huế với chương trình nghệ thuật truyền thống Huế cùng các trò chơi cung đình và những hình ảnh tiêu biểu của đại nội Huế.

Trò chơi “Đầu hồ”.
Trò chơi “Ðổ xăm hường”.

Mở màn chương trình là bộ phim mapping 3D “Tinh Hoa Đạo Học” đã tạo nên một không gian nhà Thái Học lung linh, huyền ảo trong đêm. Với mục tiêu phát huy giá trị di sản văn Miếu – Quốc Tử Giám, xây dựng không gian di sản về đêm thành sản phẩm du lịch đặc trưng, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư Vietsoftpro Holdings xây dựng sản phẩm chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám với nội dung chủ đạo là bộ phim mapping 3D “Tinh Hoa Đạo Học” được lấy cảm hứng từ những giá trị di sản văn hóa tại khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám gắn liền với đạo học của dân tộc xuyên suốt qua nhiều thế kỷ.

Nhà Thái Học lung linh trong đêm.

Tiếp đến, khán giả được thưởng thức chương trình nghệ thuật “Di sản hội tụ” do Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa giáo dục Văn Miếu – Quốc Tử Giám thực hiện.

Hoạt cảnh: “Ấm sinh luyện chữ” – “Văn Hiến ngàn năm”
Múa cung đình “Trình tường tập khánh” – điệu múa thường được trình diễn trong dịp lễ Sinh nhật của nhà vua.
Múa cung đình “Lục cúng hoa đăng” – trong điệu múa các vũ công hóa trang thành các Tiên đồng, Ngọc nữ, tay cầm hai đèn hoa sen vừa múa vừa hát trong ánh sáng lung linh, mờ ảo tạo nên sự trang nghiêm và lộng lẫy.
Tiết mục hợp tấu “Xây dựng kinh đô” – một sáng tác mới trên chất liệu và cảm hứng âm nhạc cung đình. Tác phẩm đạt huy chương bạc tại Liên hoan âm nhạc Asean năm 2022.

Tiết mục “Tiểu nhạc Phú lục địch” là một bài bản thuộc hệ thống Tiểu nhạc, thường được trình tấu trong các buổi yến tiệc của triều đình và tiếp đón sứ thần.
Ca khúc “Hà Nội, Huế, Sài Gòn” do các nghệ sĩ biểu diễn đã khép lại chương trình nghệ thuật “Di sản hội tụ” chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11/2023.

Chương trình nghệ thuật “Di sản hội tụ” cũng chính là cơ hội giao lưu, quảng bá văn hóa giữa các đơn vị bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam và một lần nữa khẳng định khẳng định mục tiêu khai thác không gian di sản về đêm thành sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi vùng miền.

Thúy Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *