Tin ngành

Những kết quả nổi bật của Chương trình 06-CTr/TU năm 2022

Chương trình 06-CTr/TU của Thành uỷ xác định mục tiêu phát triển văn hoá và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến; Thành phố vì hoà bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Xác định rõ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025” đã ban hành văn bản chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc triển khai thực hiện của các quận huyện, thị xã; các thành viên Ban Chỉ đạo thành phố chỉ đạo theo nội dung, lĩnh vực được phân công, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2022 để tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy. Hoàn thành 8/9 nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Chỉ đạo đã đề ra tại Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 29/4/2022 về công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo năm 2022. Kết quả nổi bật như sau:

(1) Đã ban hành được 05 nghị quyết chuyên đề: (1) Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045”; (2) Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ Kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo; (3) Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND ngày 06/7/2022 về Quy định mức tiền thưởng đối với giải thưởng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; lĩnh vực thể thao quần chúng do các cấp thành phố, khu vực, toàn quốc tổ chức và chế độ đối với vận động viên khi tham gia các giải đấu thể thao quần chúng; (4) Nghị quyết xây dựng chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ đối với nghệ sỹ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sỹ nhân dân”, “Nghệ sỹ ưu tú”; Tập thể, cá nhân đạt giải thưởng cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, quốc tế; (5) Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa.

2) Ban Chỉ đạo đã tích cực tham gia công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của Thành phố, đặc biệt hoàn thành 07 nhiệm vụ Tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) do Ban Tổ chức quốc gia phân công, tổ chức thành công Lễ Khai mạc, Lễ Bế mạc và thi đấu 18 môn thuộc Đại hội, được Trung ương và bạn bè quốc tế đánh giá cao và nhân dân cả nước ghi nhận. Chỉ đạo Đại hội Thể dục thể thao các cấp, tổ chức thành công Đại hội Thể dục Thể thao Thủ đô lần thứ X.

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 diễn ra thành công.

(3) Tổ chức thành công Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ V – năm 2022. Tổ chức Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Thành phố.

(4) Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao hướng về cơ sở như: Hội thi trưởng thôn thân thiện lần thứ III – năm 2022, phát động cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền cổ động trực quan về quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố, Liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã nông thôn mới, phường văn minh đô thị Hà Nội lần thứ Nhất, Cuộc thi nhảy hiện đại “Nhịp sống Trẻ”, Thi ảnh và video clip “Hà Nội trong trái tim tôi”, hội thi dân vũ thể thao, cuộc thi “Nữ doanh nhân Tâm tài – thanh lịch”, ngày hội “Áo dài xuống phố”… góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Hội thi trưởng thôn thân thiện lần thứ III – năm 2022.

(5) Tổ chức Lễ hội sáng tạo Hà Nội năm 2022 bao gồm chuỗi hoạt động (hơn 50 hoạt động) về thực hiện sáng kiến gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO theo tiêu chí, lộ trình cam kết. Các hoạt động tổ chức tại nhiều không gian khác nhau, tất cả đều hoàn toàn miễn phí nhằm lan tỏa mạnh mẽ nhất tinh thần của thiết kế sáng tạo đến cộng đồng. “Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 tiếp tục khẳng định nguồn lực sáng tạo của Hà Nội bằng cách kết nối các nghệ sĩ, nhà thiết kế sáng tạo, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, công nghệ…; phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng và tài năng sáng tạo, tạo điểm nhấn cho Hà Nội ở tầm quốc gia và khu vực”.

Lễ hội sáng tạo Hà Nội năm 2022 được tổ chức thành công với hơn 50 hoạt động về thực hiện sáng kiến gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo”.

(6) Triển khai thực hiện chỉ tiêu xây dựng trường liên cấp có diện tích từ 5 ha: hoàn thiện tiêu chí (yêu cầu về diện tích, cảnh quan, môi trường, các phòng học, phòng chức năng, các điều kiện hỗ trợ…) báo cáo Ban cán sự đảng UBND Thành phố trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy.
– Chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ, việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học mang lại kết quả nhất định; Kết quả học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế với 125 học sinh đạt giải tại các Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, trong đó có 07 giải Nhất, 37 giải Nhì, 33 giải Ba và 48 giải Khuyến khích; tại các kỳ thi cấp quốc tế, học sinh Hà Nội tiếp tục khẳng định tài năng với 63 huy chương, giải thưởng.

(7) Ban hành Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030” . Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ-TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “về xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

(8) Tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội”. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban di sản Thế giới về thống nhất quản lý di sản về di tích và di vật tại Di sản văn hóa thế giới.

(9) Thành phố Hà Nội đã vinh dự được đề cử và nhận giải thưởng: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Thế giới năm 2022 – World’s Leading City Break Destination 2022 do Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới trao tặng. Đây là cơ hội rất tốt cho du lịch Thủ đô, khẳng định vị thế, hình ảnh và thương hiệu du lịch Hà Nội trên trường quốc tế, hướng tới thu hút phục hồi khách du lịch quốc tế đến Thủ đô trong những năm tới.

(10) Đối với Dự án Chương trình 06-CTr/TU dự kiến danh mục 21 dự án; đã triển khai thành 28 dự án thành phần, tổng mức đầu tư 23.107,3 tỷ đồng. Đã có kế hoạch vốn 21 dự án 14.200,6 tỷ đồng (trong đó triển khai mới có 11 dự án – 13.499,4 tỷ; chuyển tiếp giai đoạn 2020 có 17 dự án – tổng mức đầu tư 6.879 tỷ đồng). Trong đó, ưu tiên các dự án trọng điểm: dự án Cung thiếu nhi Hà Nội, dự án Hoàng thành Thăng Long, đền thờ Ngô Quyền, dự án Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong…

Việt Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *