Di sản – Bảo tồn

Nơi lưu giữ di sản văn hóa dân gian độc đáo

Trong ngày hội làng, một cảnh tượng tuyệt đẹp và hoành tráng diễn ra cùng lúc tại địa điểm đình làng: Dưới dòng Kim Ngưu nước trong leo lẻo, đôi bờ rợp mát bóng tre, chuối hàng trăm chàng lực điền đua nhau thi tài trong tiếng trống rộn rã, thúc giục; trên bờ, giữa rực rỡ cờ quạt, 8 cô gái đẹp đang yểu điệu thướt tha trong điệu múa Bông khiến người xem vô cùng thích thú, hâm mộ….

Phú Nhiêu là một làng Việt cổ của xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên. Làng có sông Kim Ngưu chảy qua, xuôi về sông Nhuệ. Nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu như hội làng và các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa dân gian là Hò cửa đình, múa hát Bài bông, bơi chải. Các nghi thức này đều được trình diễn vào ngày lễ hội. Lễ hội truyền thống làng Phú Nhiêu được tổ chức vào tháng Tám âm lịch hàng năm, trong 4 ngày, từ 15-18. Địa điểm tổ chức là đình làng. Đình làng Phú Nhiêu là nơi thờ tự thành hoàng làng “ Công thần long hầu thủy bộ thượng đẳng trung thành phả đế Đại vương”, thời Hùng Duệ Vương. Các triều đại phong kiến sắc phong ngài là “Nam thiên thượng đẳng phúc thần Trung Thành Phả Đế hộ quốc an dân Đại vương Thổ lệnh trưởng”. Tương truyền, xưa kia làng đã từng được đón Vua về đình, ngự xem bơi chải trong ngày hội.

Hò cửa đình là một hình thức diễn xướng tập thể, được lưu truyền trong Nhân dân, chủ yếu bằng hình thức truyền miệng, là loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền khá đơn sơ. Hò cửa đình cho đến nay duy nhất chỉ tồn tại ở làng Phú Nhiêu ca ngợi và kể lại công đức của thành hoàng làng, cung chúc thành hoàng và cầu chúc cho già, trẻ, gái, trai, sĩ, nông, công, thương, tiều, ngư, canh, mục, cả trâu, bò, lợn, gà, dâu tằm…được thịnh vượng, đề đa. Hò ra đời vào đời Trần, từ 700 năm trước.

Người Hò được gọi là giai hò, là trai đinh tuổi từ 16 đến 39, sinh hoạt trong một tập thể gọi là Hội giai Hò. Người tham gia Hội giai Hò là những người nghèo, nguồn sống dựa vào cày thuê, gặt mướn nên suốt đời chỉ mơ một cuộc sống:

                     Ví bằng Thuấn cày Lịch Sơn,

Lúa thu giỗ tốt, đại ngàn đề đa:

Bán cho thứ dân gần xa

Hôm mai ấm áo người ta no lòng….

Khi Hò, người hò ăn mặc chỉnh tề, áo the thâm, quần chúc bâu trắng, đầu đội khăn sếp. Không gian tổ chức một Hò là cửa đình, diễn xướng của một đội gọi là đồng Hò, có từ 50-70 người tham gia. Một bài Hò dài hơn 500 câu thơ, diễn trong 2 giờ, với cách diễn xướng riêng chỉ có trong một chầu Hò: Có xướng, có xô, có sênh phách, trống, chiêng phụ họa, có nhạc điệu ngân nga vừa có tính hò hát, vừa như kể chuyện sử thi. Đạo cụ chủ yếu của Hò cửa đình là một đôi sênh bằng cật tre, rộng 2 ngón tay, dài 1 gang tay, vót nhẵn 4 cạnh nhưng không cạo tinh để khi gõ vào nhau kêu vang, kêu thanh. Những giai hò, đứng cái, lĩnh xướng cầm 2 tay 2 sênh gõ nhịp khi hò. Tùy theo bài giáo, bài hò hay bài khóng mà gõ nhịp cho phù hợp làn điệu hò, xướng, xô, điệp khúc. Những người tham gia chầu Hò gồm 2 nhóm: Nhóm lĩnh xướng, còn gọi là nhóm đứng cái, nhóm hò xô, còn gọi là nhóm đứng phụ họa phần xô. Sự phối hợp xướng – xô giữa 2 nhóm chỉ thực hiện khi diễn xướng bài Hò, bài khóng, mà không phối hợp trong bài giáo. Bài Hò là phần quan trọng của chầu Hò được chia thành Hò đình ngoài và Hò đình trong.

So với Hò cửa đình, múa hát Bài bông đến Phú Nhiêu muộn hơn. Qua nội dung, âm sắc, ngữ điệu trong lời của Bài bông có thể khẳng định xuất xứ của nó là từ miền trung, cụ thể là ở thành Phú Xuân, thời vua Quang Trung. Nó thuộc loại múa hát cung đình, đồng thời mang tính chất múa hát thờ thành hoàng làng. Đội múa Bài bông lúc đầu có 16 người, sau rút xuống còn 8 người, là những thiếu nữ tuổi từ 13 -18, xinh đẹp, múa dẻo hát hay, được tuyển chọn trong làng. Khi biểu diễn, các thiếu nữ ăn mặc lộng lẫy, xiêm y rực rỡ, khăn mũ thướt tha. Đạo cụ để múa là một quạt lụa hoa, một khăn lụa màu, một đôi đèn hoa để múa đêm. Gần 200 câu thơ được thể hiện trong các thể loại, chủ yếu là thơ lục bát, song thất lục bát, thơ tứ tuyệt, thơ bốn, năm chữ – những loại được phổ biến trong ca trù đã được đưa vào múa hát Bài bông. Nội dung của nó thể hiện qua các chủ đề: Ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi vương triều thời đại, ca ngợi thành hoàng làng, chúc mừng bô lão, chức sắc, ca ngợi cuộc sống của người nông dân và tình yêu đôi lứa chân chính, thể hiện trong các sinh hoạt lao động hàng ngày. Ở đây vua là nước, nước là dân, tất cả những cái đó đều thể hiện ước nguyện của Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không có chiến tranh, sơn hà thống nhất.

Trong ngày hội làng, múa hát Bài bông thờ thánh diễn ra đồng thời với thi bơi chải. Một cảnh tượng tuyệt đẹp và hoành tráng diễn ra cùng lúc tại địa điểm đình làng: Dưới dòng Kim Ngưu nước trong leo lẻo, đôi bờ rợp mát bóng tre, chuối hàng trăm chàng lực điền đua nhau thi tài trong tiếng trống rộn rã, thúc giục; trên bờ, giữa rực rỡ cờ quạt, 8 cô gái đẹp đang yểu điệu thướt tha trong điệu múa Bông khiến người xem vô cùng thích thú, hâm mộ.

Năm 1997, hội làng Phú Nhiêu được khôi phục lại sau nhiều năm gián đoạn, đồng thời những trò diễn xướng dân gian cũng được khôi phục nhờ tâm huyết của những người làm công tác sưu tầm văn hóa

Năm 2004, Hội Văn nghệ dân gian Việt nam đã chính thức công nhận nơi đây là địa chỉ đỏ – địa chỉ văn hóa, nơi lưu giữ loại hình diễn xướng dân gian truyền thống. Chính quyền địa phương, Hội Văn nghệ dân gian và ngành Văn hóa đã có nhiều hoạt động bảo tồn như: Tổ chức làm phim nhằm dựng lại toàn cảnh sinh hoạt văn hóa dân gian của địa phương, mời chuyên gia có uy tín đến nghiên cứu, sưu tầm, làm báo cáo khoa học, in sách…để Nhà nước có chính sách và biện pháp bảo tồn, người nước ngoài muốn tìm hiểu văn hóa dân gian vùng Bắc bộ tìm đến. Cho đến nay, Phú Nhiêu đã nhận được nhiều nguồn hỗ trợ ở trong nước và nước ngoài, đáng lưu ý là Quỹ phát triển văn hóa của Thụy Điển, quỹ  Ford của Mỹ. Vỏ ngoài của Hò cửa đình, múa hát Bài bông là phục vụ nghi lễ, phục vụ hội làng, nhưng thực chất nó là sinh hoạt tinh thần, nuôi dưỡng những tâm hồn chất phác, hồn hậu ở vùng chiêm trũng Phú Xuyên. Nét độc đáo là Hò cửa đình chỉ duy nhất có ở Phú Nhiêu. Nó được truyền dạy trong làng, không truyền ra ngoài.

 Đình phú Nhiêu nằm bên dòng sông Kim Ngưu nước xanh trong nên còn có tên: Cận thủy lâu đài – Nơi diễn ra

Hò cửa đình, múa hát Bài bông

Nhạc sĩ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam khẳng định: Hiện nay, Việt Nam chỉ còn có 3 loại hình âm nhạc dân gian diễn xướng bằng ba âm điệu cổ, một trong số đó là hò Cửa Đình ở Phú Nhiêu.

Đặc biệt, đội múa hát Bài bông được biểu diễn trong đình vào ngày hội là một hành xử văn minh, bình đẳng của dân làng, bởi trong thời kỳ phong kiến phụ nữ thường bị cấm ra đình, người dân nghèo bị coi thường, khinh rẻ, thì ở đây, việc tuyển chọn đội nữ múa Bài bông không dựa vào xuất thân, thành phần, đủ thanh, sắc là được chọn. Để rồi, sau lễ hội, những cô được chọn trong đội Bài bông bỗng trở thành danh giá, đắt chồng. Đã được vào đội thì các cô được cả làng trân trọng, kính nể, chiều chuộng chẳng khém gì những cô chiêu, tiểu thư.

Hò cửa đình

Nhằm giữ gìn, phát huy vốn văn hóa dân gian truyền thống quý báu, CLB Hò cửa đình – múa hát Bài bông được thành lập. Gần 20 năm nay, CLB Hò cửa đình – múa hát Bài bông Phú Nhiêu đã tích cực hoạt động, gây tiếng vang khắp đô thành và các tỉnh, thành lân cận. CLB hiện có gần 130 thành viên, gồm 4 thế hệ: Cao niên, trung niên, thanh niên và thiếu niên nhi đồng. Các thành viên CLB có 2 nghệ nhân Nhân dân và 6 nghệ nhân ưu tú, tiêu biểu như các nghệ nhân: Vũ Thị Xuyên, Lương Xuân Đằng, Lương Văn Tạo, Lương Tất Tố, Lê Văn Tâm, Nguyễn Đăng Dư, Vũ Thị Hương, Lương Thị Lý, Đỗ Thị Dịu, Lương Thị Vân…

Hàng năm, CLB đã được ngành tâm văn hóa – thông tin và thể thao huyện Phú Xuyên, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, truyền dạy cho các cháu thiếu niên nhi đồng và hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị để hoạt động. Theo lãnh đạo xã Quang Trung, nhiều năm nay, xã luôn tạo điều kiện tốt nhất để CLB hoạt động và phát huy giá trị di sản quý báu của địa phương.  Phó Chủ nhiệm CLB Hò cửa đình và múa hát bài bông Phú Nhiêu Vũ Thị Hương cho biết, hằng năm CLB vẫn mở lớp truyền dạy cho các cháu thiếu nhi vào dịp nghỉ hè, đến nay đã được hàng chục lớp. CLB còn kết hợp những dịp truyền dạy tổ chức tập luyện cho các thành viên CLB. Do dịch bệnh Covid-19 mà hai năm nay CLB không mở lớp dạy trực tiếp nên đã gửi băng đĩa cho các cháu tự học, để không bị đứt đoạn quá trình trao truyền cho thế hệ trẻ. Mùa hè năm 2022 này, khi dịch bệnh đã lắng xuống, CLB sẽ tiếp tục mở lớp truyền dạy cho thiếu nhi, kết hợp tổ chức tập luyện cho các thành viên của CLB.

Thanh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *