Sự kiện

Phát động Cuộc thi “Hà Nội sáng tạo”

Cuộc thi nhằm tìm kiếm các ý tưởng mới, độc đáo trong kiến tạo các không gian, thiết kế sản phẩm sáng tạo cho Hà Nội trên cơ sở khai thác lợi thế của công nghiệp hiện đại, nguồn lực con người và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử để tạo nên những  không gia sáng tạo lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng.

Sáng 22/8/2022, tại Hội trường lớn Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tổ chức lễ phát động Cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” và ký kết hợp tác về thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô. Tham dự buổi lễ có đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội; đồng chí Bùi Trung Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp; đồng chí  Phạm Hùng Cường, Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp; bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cùng đông đảo sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại buổi lễ

Cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đồng tổ chức. Cuộc thi nhằm tìm kiếm các ý tưởng mới, độc đáo trong kiến tạo các không gian, thiết kế sản phẩm sáng tạo cho Hà Nội trên cơ sở khai thác lợi thế của công nghiệp hiện đại, nguồn lực con người và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử để tạo nên những  không gia sáng tạo lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng.

Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Phạm Hùng Cường phát biểu tại buổi lễ

Cuộc thi kéo dài từ nay đến tháng 11/2023. Ở giai đoạn 1, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn các tác phẩm có giá trị tham gia cuộc thi trong thời gian từ nay đến tháng 10/2022 và triển khai trưng bày tại Tuần lễ sáng tạo Hà Nội 2022 vào tháng 11/2022. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn mong muốn thông qua cuộc thi sẽ kết nối sinh viên với các đơn vị, tổ chức và cá nhân có nhu cầu về nguồn nhân lực thiết kế trong xã hội.

Sinh viên Hoàng Thanh Thảo phát biểu hưởng ứng Cuộc thi

Đối tượng tham gia Cuộc thi: Toàn thể sinh viên trường  Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Về tác phẩm dự thi: chứa đựng ý tưởng và giải pháp độc đáo nhằm tạo dựng được các không gian, thiết kế và sản phẩm sáng tạo ấn tượng, xứng đáng là nơi khơi nguồn cảm xúc, tạo động lực đổi mới, phát huy tư duy sáng tạo; đồng thời giúp kiến tạo hình ảnh khác biệt cho đô thị, cho cuộc sống trong bối cảnh toàn cầu hóa. Giải pháp tổ chức không gian có tính đột phá, cởi mở để thu hút được cộng đồng, nâng cao khả năng kết nối nhằm tạo được một hệ sinh thái sáng tạo, hỗ trợ được các hoạt động văn hóa, cộng đồng, phát triển kinh doanh, có điều kiện để trưng bày, tổ chức các hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực văn hóa, sáng tạo khác nhau; Ý tưởng về mô hình hoạt động trong không gian (bao gồm khai thác, vận hành, quản lý) để lôi cuốn và kích thích sự tham gia và sáng tạo từ các nhóm xã hội như các văn nghệ sỹ, các nhà khởi nghiệp, nhóm thanh niên, người tiêu dùng, người dân… Các giải pháp tổ chức không gian sáng tạo vì cộng đồng trên cơ sở khai thác, kế thừa các di sản trong đô thị; Đề cao các giải pháp sáng tạo mang tính nhân văn trong thiết kế, tạo thuận lợi khuyến khích người dân tham gia; đặc biệt là quan tâm đến những đối tượng yếu thế trong cộng đồng như người nghèo, người khuyết tật…Chú trọng tính khả thi trong triển khai thực tiễn:, Sử dụng vật liệu địa phương, ứng dụng công nghệ mới để phát huy tính hợp lý và thông minh; là các sản phẩm được thể hiện bằng các chất liệu nghệ thuật phản ánh các công trình, không gian, di sản…nhằm quảng bá truyền thông cho Thủ đô…

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp ký kết hợp tác về thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô

Một số chủ đề mà Ban Tổ chức gợi ý gồm: Nội, ngoại thất các công trình công cộng; Trang trí quảng trường, vườn hoa, công viên, nhà văn hóa…; Các thiết kế, hình ảnh đồ họa cho các công trình và các nội dung văn hóa nghệ thuật của Hà Nội; Các thiết kế thời trang, phụ kiện gắn liền với Hà Nội; Nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố; Các sản phẩm phát huy thế mạnh về văn hóa, lịch sử, làng nghề; Các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới… Các tác phẩm phải là những giải pháp, thiết kế độc đáo, tổ chức không gian đô thị có tính đột phá, cởi mở, thu hút cộng đồng; kết hợp giữa công nghệ hiện đại và giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống; có sự kế thừa các di sản đô thị…Cuộc thi có 03 giải Nhất, 06 giải Nhì, 09 giải Ba, 15 giải Khuyến khích và 10 giải bình chọn online. Tổng giá trị giải thưởng lên tới 200 triệu đồng. Những tác phẩm có giá trị sẽ được lựa chọn trưng bày, triển khai trong thực tế.

Ban Tổ chức đề ra mục tiêu có từ 1.000 đến 2.000 sinh viên ở các chuyên ngành khác nhau tham gia, với khoảng từ 6.000 đến 8.000 tác phẩm.

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Cuộc thi nhằm cụ thể hóa các cam kết của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với UNESCO trong triển khai các hoạt động xây dựng Thành phố sáng tạo; tìm kiếm các ý tưởng mới, độc đáo trong kiến tạo các không gian, thiết kế và sản phẩm sáng tạo cho Hà Nội. Việc tìm ra những giá trị mới trong các không gian, thiết kế và sản phẩm sáng tạo sẽ tạo nên động lực để phát triển nền kinh tế sáng tạo, góp phần hiện thực hóa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến tri thức và sáng tạo trên thế giới.

Theo Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Phạm Hùng Cường, với phương châm đào tạo phải luôn gắn liền với thực tiễn, Nhà trường  luôn tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên tham gia vào các hoạt động xã hội, các dự án nghệ thuật. Cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” sẽ là môi trường kết nối sinh viên và các cá nhân có nhu cầu về nguồn nhân lực thiết kế trong xã hội; tạo điều kiện cho sinh viên cọ xát môi trường thực tiễn và tiếp xúc với các giá trị văn hóa, lịch sử, để tạo nên những không gian sáng tạo lôi cuốn sự  tham gia của cộng đồng; cung cấp cái nhìn toàn cảnh từ góc độ của nhiều chuyên gia về ngành thiết kế không gian và nghệ thuật công cộng, định hướng con đường phát triển cho sinh viên đồng thời cũng là phong trào đồng hành cùng danh hiệu “Hà Nội thành phố sáng tạo” mà UNESCO đã trao tặng cho Hà Nội. Nhà trường sẽ huy động nguồn lực từ giảng viên, sinh viên và klhai thác những thế mạnh của mình, lồng ghép nội dung cuộc thi vào chương trình đào tạo, vào các bài học cụ thể để lựa chọn dược những tác phẩm có giá trị, ứng dụng được trong thực  tiễn góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Chủ tịch hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho rằng, Cuộc thi “Hà Nội sáng tạo”  là hoạt động đầu tiên, điển hình để các trường trên địa bàn thành phố học tập, triển khai hợp tác với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội để thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội có thế mạnh làng nghề. Các làng nghề của Thành phố chiếm khoảng 40% tổng số làng nghề của cả nước. Làng nghề là cái nôi, là sự bao bọc cho các ý tưởng sáng tạo của sinh viên. Các làng nghề sẽ phối hợp với sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp để giúp các em hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo, các giải thưởng để góp phần phát triển Thủ đô, đất nước.

Thay mặt cho hơn 2.000 sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, em  Hoàng Thanh Thảo, Khoa Thiết kế thời trang phát biểu hưởng ứng Cuộc thi cho biết Cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” tạo điều kiện để sinh viên có thêm cơ hội cọ xát với môi trường thực tiễn và tiếp xúc với các giá trị văn hóa lịch sử, từ đó giúp cho sinh viên nâng cao chất lượng bài tập nghiên cứu, đồng thời nâng cao nghề, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm có lợi cho công việc sau này. Đồng thời mở ra cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đến chủ đề Hà Nội có thể tham gia vào quá trình học tập và làm việc của cả thầy cô giáo và sinh viên Nhà trường; cuối cùng mở ra 1 cuộc triển lãm với quy mô lớn, từ đây các tác phẩm là bài tập của sinh viên sẽ được trưng bày và tiếp cận gần hơn với các doanh nghiệp, đây chính là tiền đề để doanh nghiệp dễ dàng đánh giá cũng như tuyển chọn được nguồn nhân lực phù hợp tiêu chí tuyển dụng của mình…

Tại buổi lễ, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã ký kết hợp tác về thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Ngay sau lễ ký kết, các đại biểu đã cùng tham quan triển lãm, bảo tàng của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Nguyễn Minh

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *