Tin tức - Sự kiện

Phát động Giải báo chí về “Văn hóa ứng xử” lần đầu tiên

Lễ phát động Giải báo chí về chủ đề “Văn hóa ứng xử” lần đầu tiên đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chiều 19/8/2019 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Lễ phát động – Ảnh: Vietnamnet

Tham dự Lễ phát động có: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy và Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi.

Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định: Đảng và Nhà nước xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực phát triển kinh tế xã hội. Báo chí là một bộ phận của văn hóa, báo chí sáng tạo, phổ biến, lưu truyền văn hóa. Thời gian qua, báo chí đã làm tốt nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, truyền thông, cổ động, tạo sự thuận lợi trong xã hội, góp phần xây dựng nếp sống, hành vi văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những hành vi ứng xử văn hóa, trong xã hội còn tồn tại nhiều hành vi thiếu văn hóa, gây bức xúc trong dư luận, gây nhức nhối trong xã hội… Vì vậy, thông qua Giải báo chí về “Văn hóa ứng xử”, Ban tổ chức mong muốn sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về văn hóa ứng xử trên các phương tiện thông tin đại chúng; động viên, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa lan những hành vi ứng xử văn hóa sâu rộng trong xã hội.

Theo thể lệ: Các tác phẩm báo chí tham gia Giải báo chí về “Văn hóa ứng xử” thuộc các thể loại: bài phản ánh, phóng sự, điều tra, bút ký, chương trình tọa đàm và ảnh báo chí ( trừ các chương trình phát thanh và truyền hình trực tiếp) tuyên truyền về văn hóa ứng xử được đăng, phát trên các loại hình: báo in, báo điện tử, báo phát thanh, truyền hình từ ngày 1/1/2019 đến ngày 30/6/2020.

Các tác phẩm cần tập trung vào các nội dung: Xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ và tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; Tuyên truyền về trách nhiệm của người tham gia lễ hội; Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; Trách nhiệm của người tham gia giao thông; không sử dụng rượu bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; nêu gương các tập thể và cá nhân tiêu biểu những kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong văn hóa ứng xử…Nêu gương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, những kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong văn hóa ứng xử trên các lĩnh vực: gia đình, trường học, bệnh viện, công sở.

Toàn cảnh Lễ phát động – Ảnh: Toquoc

Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả tham dự không quá 5 tác phẩm. Mỗi tác phẩm báo chí được đăng, phát không quá 5 kỳ. Tác phẩm tham dự giải phải đảm bảo tính chân thực, người thật, việc thật, sự kiện thật, có tính chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị, có tính phát hiện, phương pháp thể hiện sáng tạo, hấp dẫn. Ban tổ chưc không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ, công bố ở các thời điểm khác nhau, không có tên loạt bài. Không xét các tác phẩm mang tính hư cấu.

Cơ cấu giải gồm: Giải tập thể (1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba, 5 giải khuyến khích); giải cá nhân (5 giải nhất, 5 giải nhì, 10 giải ba, 20 giải khuyến khích).

Tác phẩm tham dự giải có thể nộp trực tiếp, hoặc gửi về cơ quan thường trực giải chậm nhất vào 17h ngày 30/6/2020. Địa chỉ nhận tác phẩm: Cục Thông tin cơ sở, tầng 20, toà nhà VNTA, 68 Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội.

Theo kế hoạch, Lễ tổng kết và trao thưởng Giải báo chí về “Văn hóa ứng xử” sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm 75 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/2020.

PV

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *