Triển lãm

Phát huy những giá trị đặc biệt của tranh cổ động Việt Nam

30 tác phẩm tranh cổ động có giá trị đặc biệt về lịch sử và nghệ thuật, sáng tác từ năm 1958-1986, sẽ được giới thiệu tới người xem tại trưng bày “Sưu tập tranh cổ động”. Trong số đó, nhiều tác phẩm không chỉ góp phần ghi lại những mốc son lịch sử của cách mạng dân tộc, mà còn cung cấp cho công chúng cái nhìn toàn diện hơn về nền mỹ thuật Việt Nam.

Tranh cổ động “Tuổi xanh nhịp bước theo chân Bác” của tác giả Nguyễn Hữu Huề.

Cùng với 30 tác phẩm được chọn từ hàng trăm tranh cổ động đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cuốn sách “Khát vọng hòa bình” giới thiệu tranh cổ động kháng chiến tiêu biểu cũng được giới thiệu rộng rãi đến công chúng vào ngày 23/6 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Đây là một trong những hoạt động đặc biệt hướng đến kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 54 năm ngày thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (24/06/1966 – 24/06/2020) nhưng cũng là hoạt động được kỳ vọng sẽ góp phần khơi dậy những giá trị đặc biệt của tranh cổ động Việt.

Tranh “Ơn Đảng ơn Bác người Mèo có chữ” của tác giả Quách Hùng.

Tranh cổ động thuộc thể loại đồ họa trong nghệ thuật tạo hình, mang những đặc trưng riêng về ngôn ngữ biểu đạt như hình tượng, màu sắc, đường nét, chữ được khái quát, tượng trưng hoặc điển hình hóa nhằm tuyên truyền về sự kiện, hoạt động xã hội xảy ra trong một thời điểm nhất định.

Từ những họa sĩ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đến Khóa Mỹ thuật Kháng chiến và các thế hệ sau phần nhiều đều tham gia sáng tác tranh cổ động. Các nghệ sĩ sử dụng những thủ pháp đặc trưng mang tính cô đọng, súc tích, gần gũi, dễ hiểu, liên tục sáng tạo trong ngôn ngữ đồ họa.

“Vì muôn đời con cháu mai sau” (Tác giả: Vũ Thị Huyên).

Tranh cổ động luôn đi cùng lịch sử phát triển của Cách mạng Việt Nam, từ những ngày đầu đấu tranh giành độc lập dân tộc, chiến đấu bảo vệ tổ quốc đến quá trình xây dựng đất nước.

Không chỉ kịp thời đưa những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, tranh cổ động còn vượt qua nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan để trở thành một thể loại nghệ thuật đồ họa độc đáo riêng của nền Mỹ thuật Cách mạng Việt Nam, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tranh cổ động “Vì tương lai con em chúng ta” (tác giả: Minh Mỹ).

Phòng trưng bày giới thiệu 30 tác phẩm sáng tác từ năm 1958 đến 1986. Trong số đó, nhiều tác phẩm không chỉ góp phần ghi lại những mốc son lịch sử của cách mạng dân tộc, những hoạt động tuyên truyền trên mọi mặt của đời sống, mà còn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng và tính nghệ thuật của loại hình đồ họa đặc biệt này, qua đó cung cấp cho công chúng cái nhìn toàn diện hơn về nền mỹ thuật Việt Nam.

Cũng nhân dịp này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn giới thiệu cuốn sách đặc biệt về tranh cổ động mang tên “Khát vọng hòa bình” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Mỹ thuật chọn lọc và biên soạn.

Với 81 tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn 1958-1986 về đề tài kháng chiến, cuốn sách thể hiện ước muốn và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Trồng nhiều khoai lang trắng” của Trần Hà.

Thông qua việc khai trương một không gian trưng bày mới và xuất bản ấn phẩm về tranh cổ động, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mong muốn phát huy giá trị của loại hình tranh cổ động, đồng thời tri ân đến các thế hệ cán bộ đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản bộ sưu tập và đóng góp cho sự phát triển của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong 54 năm qua.

Phòng trưng bày tranh cổ động Việt Nam sẽ mở cửa từ ngày 23/6/2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

PV

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *