Thể Thao

Thể thao Hà Nội sẵn sàng cho những mục tiêu sắp tới

Tại ASIAD 19, Đoàn Thể thao Hà Nội có 125 thành viên trên tổng số 504 thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam, giành được 2 HCV, 3 HCB, 7 HCĐ, đóng góp vào thành tích chung của Đoàn Thể thao Việt Nam: 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ.

Tại SEA Games 32, Đoàn Thể thao Hà Nội có 226 thành viên trên tổng số 1.003 thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam và giành được 40 HCV, 27 HCB, 32 HCĐ, đóng góp vào thành tích chung của Đoàn Thể thao Việt Nam với 136 HCV, 105 HCB, 118 HCĐ. Các VĐV Hà Nội đạt được 40/136 HCV của Đoàn Thể thao Việt Nam, đạt tỷ lệ 29,41%.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài chia vui cùng các HLV, VĐV Hà Nội trong đội tuyển cầu mây nữ Việt Nam giành HCV ASIAD 19.

Những thành quả của Thể thao Hà Nội tại SEA Games 32 tập trung nhiều ở các môn thuộc hệ thống thi đấu của ASIAD và Olympic như: Bóng bàn, Đua thuyền, Đấu kiếm, Thể dục dụng cụ, Cử tạ, Wushu hay Taekwondo… Người hâm mộ chưa thể quên hình ảnh ăn mừng đầy cảm xúc của cặp đôi Trần Mai Ngọc và Đinh Anh Hoàng với thành tích ấn tượng để mang về tấm HCV cho bóng bàn đôi nam nữ của Việt Nam sau 26 năm sau khi đánh bại bộ đôi Singapore là Clarance Zhe Yu Chew và Jian Zeng. Hay như thành tích của tay đấm Hà Thị Linh môn boxing hạng 63kg. Sau khi Á quân thế giới Đỗ Thị Tâm gặp chấn thương ngay vòng đấu đầu, niềm hi vọng được đặt lên Hà Thị Linh. VĐV của Hà Nội không phụ lòng sự tin tưởng của Ban huấn luyện để mang về tấm HCV cho bộ môn cũng như Đoàn thể thao Việt Nam. Đây cũng là tấm HCV duy nhất của bộ môn Boxing ở SEA Games 32.

Bên cạnh các môn như Bóng bàn, Boxing… Thể thao Hà Nội còn có những đóng góp của các VĐV khác như Phạm Quốc Việt (Taekwondo), Dương Thuý Vi, Nguyễn Thị Lan, Trương Văn Chưởng (Wushu), Đinh Phương Thành (Thể dục dụng cụ), Vũ Thành An, Bùi Thị Thu Hà, Phạm Thị Thu Hoài… (Đấu kiếm), Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Minh Hạnh (Điền kinh)… Những thành tích này một lần nữa khẳng định vị trí số 1 của thể thao Hà Nội cũng như chủ trương tập trung xây dựng các môn thể thao và trọng điểm là các môn ASIAD và Olympic.

Đây là thành quả từ quá trình đầu tư xuyên suốt cũng như chủ trương xã hội hóa thể thao đúng đắn của Hà Nội trong nhiều năm qua. Những quyết sách đúng đắn đã giúp ngành thể thao Thủ đô có những lớp VĐV tài năng, góp sức cho thể thao nước nhà.

Tại SEA Games 32, VĐV Đinh Phương Thành giành 2 HCV (1 HCV đồng đội và 1 HCV cá nhân môn xà đơn) cùng 1 HCB cá nhân môn xà kép trở thành VĐV đi vào lịch sử SEA Games khi giành HCV tại 5 kỳ liên tiếp.

SEA Games 33 diễn ra tại Thái Lan vào năm 2025, Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đưa ra quy định mới phải có môn Điền kinh và thể thao dưới nước của nhóm 1, ít nhất 14 môn của nhóm 2 (nhóm môn thuộc chương trình thi đấu của Olympic và Đại hội thể thao châu Á – ASIAD). Trong khi đó, ở nhóm 3 (nhóm các môn thể thao còn lại) sẽ chỉ có tối đa 2 môn với 8 nội dung mỗi môn trong chương trình thi đấu của một kỳ SEA Games.

Hướng tới SEA Games 33 cũng như những mục tiêu trong thời gian tới, Thể thao Hà Nội tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về thể thao thành tích cao với các quốc gia trong khối ASEAN, các nước có nền thể thao phát triển như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Đức … Tiếp tục tuyển chọn các tài năng kế cận, vạch ra hướng đầu tư bài bản, giúp các VĐV có động lực trong tập luyện, thi đấu. Đẩy mạnh tổ chức tập huấn các đội tuyển, nâng cao trình độ cũng như kinh nghiệm cho VĐV. Chuẩn bị lực lượng tham dự các giải quốc gia năm 2024. Rà soát, củng cố lực lượng VĐV với mục tiêu đóng góp khoảng 30% lực lượng HLV, VĐV và 30% số lượng HCV của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 33. Phấn đấu giữ vững vị trí Nhất toàn đoàn tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026.                                                                                                                          Thu Phương

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *